Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Cách dạy trẻ vận động của người phương Tây

Trẻ Tây từ khi mới sinh đã có thể được tập dạn nắng, dạn gió bằng cách đưa đến công viên bằng xe nôi, cho làm quen với những tiếng động của cuộc sống xung quanh. Phụ huynh có thể tham khảo thêm một vài bí quyết của các mẹ Tây dưới đây nhằm giúp tối ưu vận động cho trẻ, đồng thời giúp con mình hứng thú hơn với các hoạt động thể thao.


>> 5 bước đơn giản giúp phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ
>> Thói quen vận động tích cực sẽ giúp cải thiện chỉ số IQ của trẻ

Vui chơi, vận động theo nhóm

Cách tối ưu vận động cho trẻ theo phương Tây
Tập cho trẻ thói quen vận động thường xuyên
Hầu hết bố mẹ phương Tây đều cho rằng cần tạo điều kiện để giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc hoạt động thể thao cùng nhau như đá bóng, chạy nhảy, xúc cát... cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú. Trẻ chơi với nhau thân thiện, vui vẻ cho dù trước đó chúng chưa hề gặp, không tiếng cãi nhau, không cảnh tranh giành đồ chơi, không có tiếng khóc gọi bố, mẹ… Nhờ đó, trẻ phương Tây có kỹ năng làm việc theo nhóm rất tốt.

Gần gũi với thiên nhiên

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã được khuyến khích gần gũi với thiên nhiên,được dạy cách thích ứng với mọi thời tiết mưa gió, tuyết rơi trong những điều kiện an toàn. Các kỳ nghỉ cùng gia đình ở các môi trường thiên nhiên, những công viên, bãi biển… thường xuyên được các gia đình tổ chức. Thế giới quan của trẻ vì thế rất rộng lớn và phong phú.

Khuyến khích trẻ vui chơi vận động gần gũi với thiên nhiên
Khuyến khích trẻ vui chơi vận động gần gũi với thiên nhiên
Ngoài ra, trẻ còn được cho đi chợ với mẹ hàng ngày, đi du lịch và đi dạo với ông bà, bố mẹ, tập thể dục thể thao ở các công viên lớn, vườn hoa. Việc này giúp trẻ hiểu biết xung quanh, thiên nhiên, cây cối, các con vật, tận hưởng ánh nắng sớm để duy trì vitamin D và sức đề kháng. Khi trẻ đùa nghịch, chơi đùa ngoài thiên nhiên, thực chất là khám phá, học hỏi và có điều kiện phát triển tốt nhất những cảm xúc tích cực của mình.

Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là chơi thể thao có ảnh hưởng tích cực đến năng lực vận động của trẻ. Theo một nghiên cứu của Perceptive Motor Skills được thực hiện trên 400 trẻ từ 3 đến 5 tuổi cho thấy những đứa trẻ năng vận động sẽ có cơ thể cân đối, sự nhạy bén và khả năng phối hợp tốt hơn những em chỉ tập một tiết thể dục mỗi tuần. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ tập thể dục thường xuyên có chỉ số IQ cao hơn những đứa trẻ suốt ngày ngồi trong lớp.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Bí quyết của mẹ Tây giúp bé khỏe mạnh và nhanh biết đi

Theo kinh nghiệm của các mẹ phương Tây, để quá trình tập đi của bé dễ dàng hơn, mẹ nên bắt đầu luyện tập cơ cho bé từ trước khi bé thật sự bắt đầu tập đi, thậm chí có thể bắt đầu tập vận động cho trẻ ngay từ khi trẻ mới được vài tuần tuổi. Dưới đây là một số bí kíp của mẹ Tây giúp bé khỏe mạnh và học đi nhanh hơn.


Bắt đầu từ khi bé yêu mới biết lẫy

Mỗi ngày, mẹ chú ý cho bé nằm sấp khoảng 30 phút nhé, có thể cho bé nằm sấp 30 phút liên tục hoặc chia ra thành nhiều lần trong ngày. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ bé bị méo (móp) đầu mà còn giúp cho cổ và cơ lưng của bé cứng cáp hơn đấy.

Giúp bé tập lăn mình

Các bé sẽ bắt đầu học cách nghiêng mình và sau đó là lăn qua lăn lại trong khoảng từ 2 - 6 tháng tuổi. Thật mừng nếu bé tự nâng đầu lên trong lúc nghiêng mình sang bên trước khi bé lật người. Để khuyến khích các bé tập lật úp người, mẹ nên thu hút bé bằng một món đồ chơi để phía trên đầu bé trong lúc bé đang nằm ngửa, bé sẽ phải lật úp người lại để nhìn hoặc với tới được món đồ chơi yêu thích. 

Hãy đợi tới khi bé chạm vào được món đồ chơi, sau đó từ từ di chuyển món đồ vòng qua người bé cho đến khi bé rướn người theo món đồ và lật mình trở lại. Những bài tập luyện đơn giản này sẽ giúp bé phát triển cơ chân, cổ, lưng và tay để chuẩn bị cho bước tiếp theo: tập ngồi.

Bí quyết giúp bé khỏe mạnh và nhanh biết đi
Một số bài tập vận động cơ bản giúp trẻ sớm biết đi
Khuyến khích bé yêu tập ngồi và ngả người về các phía

Bắt đầu từ tháng thứ 4, bé có thể ngồi khi được bố mẹ đỡ, tới tháng thứ 6, bé đã có thể tự ngồi rồi. Các bậc cha mẹ nên giúp bé ngồi dậy trong lúc bé đang nằm ngửa bằng cách nhẹ nhàng kéo hai tay bé dậy. Ngoài ra, mẹ cũng nên để món đồ chơi mà bé yêu thích ngoài tầm với của bé để khuyến khích bé ngả người về các hướng khác nhau. Các mẹ cũng nên khám phá cho mình những cách riêng để giúp bé luyện tập cũng như phối hợp giữa các cơ trong quá trình chơi đùa cùng bé.

Đặt đồ vật ngoài tầm với của bé

Từ 6 - 10 tháng tuổi, bé sẽ tập bò khi bé bắt đầu rướn người hoặc ngồi lên để lấy được món đồ chơi mà bé yêu thích. Hãy tận dụng điều này và bắt đầu đặt các món đồ mà bé mê ở xa tầm với của bé hơn một chút để khuyến khích bé di chuyển nhiều hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên bắt đầu dọn dẹp nhà gọn gàng khi bé bắt đầu biết di chuyển xung quanh.

Ngoài ra, các mẹ cũng cần lưu ý rằng, những cột mốc phát triển ở mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt này có thể do thể trạng cân nặng khác nhau hoặc thậm chí là do tính cách khác nhau. Tuy rằng thật khó để không so sánh bé yêu của bạn với các bé khác, bạn cũng không nên chán nản hoặc nổi cáu nếu bé yêu không tập đi vào thời điểm chính xác như sách báo hay bác sĩ đã dự đoán. Hãy nhớ rằng thời điểm bé tập đi chỉ được tính toán một cách tương đối chứ không phải tuyệt đối.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Thói quen vận động thường xuyên giúp trẻ ít bệnh vặt, ốm đau

Các nhà nghiên cứu tâm lý học về trẻ em ở Australia đã tiến hành khảo sát trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 12 và phát hiện rằng, có đến 37% trẻ em chỉ dành ít hơn 30 phút vận động ngoài trời trong ngày và hơn 43% trẻ lại dành hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để xem ti vi hoặc chơi các trò chơi điện tử trên máy tính. Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng trẻ béo phì tăng nhanh ở mức báo động.

Những trò vận động ngoài trời như leo cây, bơi lội, chơi dưới mưa, tắm bùn, tập đi xe đạp... không chỉ tạo nên màu sắc cho tuổi thơ của trẻ mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe thiết thực.
Thói quen vận động thường xuyên giúp trẻ ít ốm đau

Thói quen vui chơi vận động ngoài trời giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh thời đại, như giảm nguy cơ béo phì, giúp trẻ tăng cường hiểu biết và phát triển kĩ năng vận động. Việc tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên, đặc biệt là lúc nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sức khỏe thể chất giảm nguy cơ stress ở trẻ nhỏ. Vui chơi ngoài trời còn giúp ngăn chặn sự diễn biến của bệnh ADHD (rối loạn tâm thần ở trẻ em).

Ngoài những hoạt động ngoài trời như đi biển hay chơi công viên thì bố mẹ có thể cho trẻ chơi trong sân nhà mình, thậm chí là một khoảng sân nhỏ thôi cũng có thể có rất nhiều trò chơi thú vị dành cho trẻ.

Với áp lực công việc bận rộn hàng ngày, phụ huynh sẽ khó có thể đưa con đi chơi công viên được, vì vậy việc tạo một khoảng không gian ngoài trời an toàn và phù hợp cho trẻ vui chơi là một ý tưởng không tồi. Các bé có thể đem đồ chơi của mình ra ngoài, thậm chí những trò chơi của bé gái như chơi búp bê hay đóng giả làm gia đình cũng rất thích hợp khi vui chơi bên ngoài. Nếu các bé đang vẽ tranh trong nhà, tại sao bạn không thử đề nghị các bé ra ngoài? Trí tưởng tượng phong phú của trẻ sẽ biến thiên nhiên xung quanh trở nên sinh động hơn trong những bức tranh.

4 hoạt động thú vị ngoài trời thích hợp cho trẻ

Chơi với các đồ chơi có bánh xe

Một chiếc xe đồ chơi, scooter, ván trượt hay xe đạp là những ý tưởng tuyệt vời dành cho trẻ.

Đi bộ

Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà cho phép bé thử sức với những quãng đường dài ngắn khác nhau chẳng hạn đưa bé cùng đi mua sắm vài thứ đồ linh tinh hoặc đi dạo một quãng đường, có thể đem theo nước và vài gói snack làm “lương thực” cho bé.

Tổ chức một chuyến phiêu lưu tưởng tượng “săn tìm kho báu”

Những trò chơi này cha mẹ có thể chơi cùng con ngay trong sân nhà. Mục tiêu đơn giản như là tìm một bông hoa màu vàng hay lượm những viên đá cuội màu sắc hay chạy đua và nhảy lên khi đến đích.

Trồng cây

Trẻ nhỏ rất thích nghịch nước và đào xới. Vì thế bạn có thể nhờ trẻ tưới nước hoặc chăm sóc những loại rau củ tự trồng. Trẻ sẽ nhiệt tình ăn những loại rau củ mà chúng đã tự mình chăm sóc.

Hiện nay ở Hà Nội, khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây là một địa điểm lý tưởng để các bậc phụ huynh đưa con đến tham quan và vui chơi. Không gian của khu vui chơi rất rộng, có nhiều trò chơi phù hợp với trẻ (ở cả trên cạn và dưới nước); đặc biệt, không gian vui chơi ngoài trời sẽ rất tốt cho sức khỏe của các bé.

(Tổng hợp)

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh

Vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như trẻ lười vận động, ăn quá nhiều chất béo, thức ăn nhanh hoặc uống nhiều nước ngọt có ga. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, nếu bố mẹ khuyến khích trẻ thực hiện nghiêm túc chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường vận động thể lực sẽ giúp cải thiện sức khoẻ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.


Các nhà nghiên cứu tâm sinh lý trẻ em đã chứng mình rằng, không chỉ những trẻ bụ bẫm mới bị béo phì, mà ngay cả ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, nguy cơ béo phì sau đó sẽ cao hơn bạn bè cùng lứa có cân nặng bình thường ít nhất là gấp đôi.
Trẻ lười vận động thường dễ mắc bệnh béo phì
Trẻ lười vận động thường dễ mắc bệnh béo phì

Nguyên nhân khiến trẻ thừa cân và béo phì

Có nhiều yếu tố khiến trẻ bị thừa cân, béo phì. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng năng lượng khẩu phần vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng do chất béo và bột, đường cung cấp. Trẻ được nuôi bằng sữa bò có nguy cơ thừa cân - béo phì cao hơn trẻ bú mẹ, vì thức ăn nhân tạo giàu protein và muối, làm tăng áp lực thẩm thấu, gây cảm giác khát, kích thích trẻ ăn nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm hoạt động thể lực, ít vận động thường xuyên cũng là yếu tố nguy cơ cao của thừa cân, béo phì. Hiện có nhiều trẻ không tham gia thể dục thể thao, ít đi bộ, đi xe đạp... mà dành nhiều thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem vô tuyến, chơi điện tử. Theo một số nghiên cứu, trong khi xem vô tuyến, sự trao đổi chất giảm đáng kể.
Ngoài ra, ngủ ít cũng gây béo vì làm giảm tiêu mỡ (quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ). Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh mối liên quan giữa thời gian ngủ ngắn với chứng béo phì.

Mặt khác, yếu tố di truyền cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến trẻ béo phì, nguy cơ này sẽ tăng lên ở những đứa trẻ có cha hoặc mẹ nặng cân, đặc biệt là khi cả cha mẹ đều béo.

Cân nặng quá cao lúc đẻ cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì. Sự mất cân bằng trong chế độ ăn của mẹ khi mang thai sẽ tạo nên tình trạng dư thừa mỡ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ nhẹ cân sẽ hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ 3-9 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 2-8 lần so với trẻ không bị thấp còi. Nguyên nhân có thể là trẻ suy dinh dưỡng mạn tính có khối nạc thấp, chuyển hóa cơ bản và hoạt động thể lực giảm. Khi cung được cấp đủ năng lượng, trẻ sẽ tích luỹ mỡ rất nhanh.
Vận động thường xuyên giúp trẻ linh hoạt
và tập trung tốt hơn

Cách phòng ngừa bệnh thừa cân và béo phì ở trẻ nhỏ

Chứng thừa cân, béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Những trẻ béo sẽ ngừng tăng trưởng sớm. Trước dậy thì, chúng thường cao hơn so với tuổi nhưng khi dậy thì, chiều cao ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè. Ngoài ra, chứng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp...) và tử vong.

Để dự phòng thừa cân và bép phì, cần chăm sóc tốt cho trẻ từ trong bào thai để tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chỉ cai sữa sau 2 năm. Nếu phải nuôi bằng sữa bột, không nên sử dụng thêm đường hay tinh bột. Khi trẻ ăn dặm, thức ăn phải được bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết để giúp tăng trưởng tối đa. Ngoài ra, bố mẹ nên rèn cho trẻ thói quen vận động từ sớm thông qua các hoạt động đơn giản như: chơi cầu trượt, chạy nhanh, các trò chơi với bóng,...

Đối với trẻ lớn và trẻ vị thành niên, cần tăng cường vận động với các môn thể thao phù hợp và mức độ tập luyện vừa phải theo từng lứa tuổi (như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội...). Sinh hoạt điều độ, hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Về ăn uống, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường; khuyến khích ăn rau và hoa quả. Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường.

(Tổng hợp)

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Bí quyết dạy trẻ từ 0 đến 2 tuổi thói quen vận động hàng ngày

Chơi đùa vận động giúp trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phát triển khỏe mạnh và thông minh. Chơi đùa giúp trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phát triển tối ưu các kỹ năng vận động và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

>> 5 bước đơn giản giúp phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ
>> Những lưu ý an toàn khi cho trẻ vui chơi vận động ngoài trời
>> 9 quy tắc thú vị giúp trẻ trở nên năng động hơn
Bí quyết dạy trẻ 0-2 tuổi thói quen vận động hàng ngày
Chơi đùa vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển;
tối ưu về thể chất và trí não
Bạn có thể giúp con chơi đùa vận động mỗi ngày bằng cách nào?

Ở nhà:

• Dành cho em bé sơ sinh của bạn thật nhiều “thời gian nằm sấp” trong suốt cả ngày. Làm như vậy giúp các cơ của bé khỏe hơn để có thể ngồi dậy và bò.

• Tìm các đồ chơi như gương đứng, thảm chơi trẻ em, bục leo trèo thấp, đồ chơi kéo đẩy, ô tô, thú gỗ/nhồi bông có bánh xe, túi đỗ, bàn chơi, xe kéo cho trẻ em, đường hầm nhỏ, bóng cao su nhẹ cỡ to để giúp con của bạn chơi đùa.

• Hàng ngày trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cần có thời gian để co duỗi chân tay, lăn tròn, bò, ngồi dậy và đứng. Hạn chế thời gian để trẻ ngồi vào các đồ chơi/thiết bị giới hạn khả năng di chuyển (ví dụ ghế trên xe ô tô, ghế rung, ghế đu đưa và xe đẩy).

• Không cho trẻ ngồi trước màn hình TV hoặc máy tính, chơi trò chơi điện tử, máy tính bảng (ví dụ iPad) hoặc điện thoại thông minh (như iPhone).

Khi ở cùng người giữ trẻ hoặc ở nơi trông trẻ:

• Người giữ trẻ hoặc nơi trông trẻ phải dành thời gian cho trẻ chơi đùa. Nhắc nhớ người giữ trẻ hoặc nơi trông trẻ về việc dành thời gian chơi đùa vận động trong nhà và ngoài trời hàng ngày.
Ở sân chơi trong khu xóm:
Chơi cùng với con bạn ở sân chơi gần nhà. Nếu có thể đi bộ đến đó thì thật tuyệt vời!
Vào mùa hè bạn cũng có thể tới bể bơi nhỏ cho trẻ em (bể nông ngoài trời) gần nhà.
Ở trung tâm cộng đồng địa phương:

• Nhiều trung tâm cộng đồng có phòng chơi đùa vận động trong nhà có thể ghé vào bất kỳ lúc nào với mức phí thấp cho mỗi lần tới, và cũng có lớp học dành cho trẻ ở tuổi mới biết đi.
• Hỏi trung tâm cộng đồng ở địa phương quý vị để biết thêm về phòng chơi đùa trong nhà và các lớp học, lệ phí tham dự, cách ghi danh và xin học bổng.

Theo Healthy Children của Viện Nhi Khoa Mỹ

(www.healthychildren.org)






Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Thói quen vận động tích cực sẽ giúp cải thiện chỉ số IQ của trẻ

Vận động rất có ích cho sức khỏe của trẻ. Vận động giúp cơ, xương chắc khỏe và mang lại giấc ngủ ngon. Nhưng chưa hết, bạn có biết hoạt động thể chất còn có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ ?
>> 5 bước đơn giản giúp phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ
>> Tỷ lệ trẻ em Việt Nam béo phì tăng nhanh so với mức trung bình của trẻ Châu Á
>> Những lưu ý an toàn khi cho trẻ vui chơi vận động ngoài trời

Thói quen vận động tích cực sẽ giúp cải thiện chỉ số IQ của trẻ

Một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí Brain Research phát hiện rằng, trẻ 9 và 10 tuổi vận động nhiều hơn sẽ có vùng đồi thị (hippocampi) lớn hơn. Đây là vùng não bộ đảm nhiệm trí nhớ dài hạn và trí nhớ liên hệ (khả năng học và nhớ mối liên hệ giữa những sự vật không liên quan với nhau). Những trẻ này đạt kết quả cao hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ. Dĩ nhiên là trẻ bắt đầu vận động càng sớm càng tốt.

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Developmental Review năm 2009 kết luận rằng, những trẻ có thể chất tốt sẽ thực hiện các hoạt động trí tuệ tốt hơn. Nghiên cứu cũng chứng minh những bài tập thể dục khác nhau mang lại những lợi ích khác nhau. Ví dụ, trẻ tập aerobic thực hiện những bài kiểm tra điều hành (executive function - gọi tắt là EF, bao gồm khả năng quyết định, lên kế hoạch, tổ chức và làm theo hướng dẫn) tốt hơn trẻ tập những bài thể dục thông thường.

Vận động thường xuyên giúp cơ bắp của trẻ phát triển khoẻ mạnh. Ở tuổi này, việc rèn luyện thể dục thể thao giúp các bé giữ được thể trạng tốt và khỏe mạnh. Bởi vì những bài tập này sẽ giúp con bạn cảm thấy sảng khóai và ăn ngon miệng hơn. Thậm chí đối với các bé hiếu động, rèn luyện thể chất giúp bé tăng cân và phát triển chiều cao. Thêm vào đó, tập thể dục là cách tốt nhất và dễ dàng nhất để định hướng năng lượng của bé một cách tích cực. Nếu không, bé có thể sẽ trở nên khó dạy bảo

Thể dục cũng ảnh hưởng tích cực đến năng lực vận động của trẻ. Năm 2012, một nghiên cứu kéo dài 20 tháng từ Perceptive Motor Skills được thực hiện trên 400 trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Các em được tham gia một tiết học thể dục (45 phút) mỗi tuần, cùng với ít nhất 20 phút tập thể dục mỗi ngày. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ này có cơ thể cân đối, sự nhạy bén và khả năng phối hợp tốt hơn những em chỉ tập một tiết thể dục mỗi tuần. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy trẻ tập thể dục thường xuyên có chỉ số IQ cao hơn những đứa trẻ suốt ngày ngồi trong lớp.

Theo http://www.mychildhealth.net

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Những lưu ý an toàn khi cho trẻ vui chơi vận động ngoài trời

Các trò chơi hoạt động ngoài trời sẽ mang đến cho trẻ bầu không khí trong lành, thật nhiều niềm vui với bạn bè và thời gian vận động để trẻ phát triển khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ vẫn luôn lo sợ rằng môi trường rèn luyện của trẻ không đủ an toàn, mất vệ sinh. Vậy làm thể nào để cho trẻ tha hồ vui chơi, vận động an toàn và phát triển một cách tốt ưu nhất?

>> Lựa chọn môn thể thao phù hợp giúp trẻ phát triển vận động tối ưu
Lưu ý an toàn khi cho trẻ vui chơi vận động ngoài trời
Vui chơi vận động cùng trẻ để giữ an toàn cho trẻ
Bố mẹ cùng tham gia chơi đùa với trẻ

Bố mẹ hãy dành chút thời gian để cùng tham gia chơi với con để yên tâm hơn bởi vì trẻ con vẫn chưa thể lường trước được những tình huống nguy hiểm của mình còn những đứa trẻ lớn hơn thì lại luôn thích thử thách bản thân với những giới hạn mới. Bên cạnh đó, việc bố mẹ cùng chơi với con sẽ giúp cho cả nhà vừa có một khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa, vừa có thể động viên trẻ tích cực hơn trong các hoạt động vui chơi ngoài trời.

Lựa chọn sân chơi thân thiện với trẻ nhỏ

Một sân chơi thích hợp cho các trẻ cần phải xem xét đến một số yếu tố như:

- Không gập ghềnh và không lót bằng các chất liệu cứng như xi măng, nhựa đường. Ngoài ra sân cỏ, sân đất cũng không an toàn do những  điều kiện thời tiết và sử dụng có thể khiến chúng bị bào mòn và giảm khả năng đỡ khi trẻ bị té.

- Sân chơi không có vũng nước trơn trượt hoặc các vật cản như đá, cành cây, rễ cây… có thể làm trẻ vấp ngã. Và đặc biệt, bố mẹ cần chú ý tới những thứ nguy hiểm như miểng chai, mảnh kim loại xung quanh nơi vui chơi của trẻ.

Dạy trẻ cách chơi an toàn

Việc dạy cho trẻ cách chơi an toàn cũng rất quan trọng bởi khi bé nắm được các qui tắc của sân chơi, bé sẽ ít gặp tổn thương hơn. Bố mẹ hoặc người giám sát nên hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng đúng các dụng cụ, trò chơi trên sân và tránh những hành động gây nguy hiểm khi đang chơi. Chẳng hạn như:

- Khi chơi cầu tuột phải đưa chân xuống trước;

- Không leo trèo khỏi hàng rào hoặc dây rào;

- Không đứng lên xích đu;

- Quan sát kĩ trước khi nhảy từ trên cao xuống đất để tránh va chạm với những bạn cùng chơi khác, hoặc những vật khác bên dưới;

- Không chạy nhảy, sử dụng sân chơi và các trò chơi khi chúng bị ướt vì rất trơn trượt;

- Đặc biệt, vào mùa hè trời nắng, các thiết bị trò chơi được làm bằng kim loại, tay vịn, bậc thang… sẽ dễ trở nên cực kì nóng, cần phải kiểm tra trước khi chơi.

Ngoài ra, bố mẹ không nên để bé vui đùa dưới trời nắng gắt, đặc biệt từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều; trong trường hợp bé bị té trầy xước cần có những biện pháp sơ cứu thích hợp và tiệt trùng để tránh viêm nhiễm. Khi con mệt, không nên gượng ép bé mà hãy đợi cho đến khi sức khỏe của bé hồi phục hoàn toàn. Đối với những bé có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim bẩm sinh… thì bạn phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định cho bé tham gia chơi một môn thể thao, vận động nào đó.



(Nguồn tham khảo: Webtretho.com)