Nghiên cứu gần đây của Viện y - xã hội học chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì ở một số thành phố của Việt Nam đã ở mức cao hơn so với trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. Thống kê cho biết có khoảng 1/3 người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động, dẫn đến hậu quả 5,3 triệu người chết mỗi năm và Việt Nam là một trong 10 nước lười vận động nhất thế giới.
Cha mẹ không nên vội mừng khi thấy con béo |
Nguyên nhân của tình trạng này do trẻ lười vận động, ăn quá nhiều chất béo, thức ăn nhanh hoặc uống nhiều nước ngọt có ga. Cụ thể ở TP HCM, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì là 9,6% và lên đến hơn 12% ở khu vực trung tâm thành phố trong khi mức trung bình toàn cầu chỉ khoảng 6,9%.
Mặt khác, báo cáo cũng cho thấy nếu tính trên phương diện toàn quốc thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi là 16% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi lên đến 26,7%.
Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nếu những vấn đề trên không được khắc phục sớm có thể dẫn đến các biến chứng bất thường gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe của trẻ như các bệnh về tim mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc những hạn chế trong việc phát triển thị lực, chiều cao và trí não của trẻ.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với cả chế độ hoạt động thể lực hợp lý sẽ giúp tăng cường sức khoẻ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Làm gì khi trẻ bị thừa cân béo phì?
Việc phòng chống thừa cân béo phì có nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là một bệnh có nhiều nguy cơ cho sức khỏe của trẻ nếu không điều chỉnh kịp thời, chính vì vậy phụ huynh cần phải hết sức lưu ý khi trẻ thừa cân béo phì.
- Nên đưa trẻ khám chuyên khoa dinh dưỡng để được kiểm tra, đánh giá toàn diện và được tư vấn chế độ ăn uống, luyện tập giúp trẻ thoát khỏi thừa cân béo phì càng sớm càng tốt.
- Không nên trêu chọc trẻ, phải củng cố lòng tự trọng của trẻ bằng cách chú ý lắng nghe trẻ nói, chứng tỏ bạn vẫn yêu và chấp nhận mặc dù con béo phì.
- Không để các thức ăn cám dỗ như kẹo bánh, nước ngọt trong nhà, không dùng thức ăn làm phần thưởng cho trẻ.
- Nên chuẩn bị sẵn những thức ăn ít năng lượng để trẻ ăn khi thấy đói hơn là bắt trẻ nhịn ăn. Chẳng hạn, để sẵn các loại trái cây ít ngọt, các cuốn gỏi nhiều rau, vài củ khoai luộc, ly sương sa, sương sáo không đường hoặc dùng đường ăn kiêng...
- Lên lịch tập luyện những môn thể thao phù hợp với độ tuổi của trẻ, cả gia đình cùng nhau luyện tập hoặc đăng ký cho trẻ tham gia những lớp năng khiếu, những môn thể thao để tạo cho trẻ yêu thích thể thao và duy trì vận động hàng ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, bóng rổ, đạp xe, đu xà đơn, chạy bộ... vừa giúp trẻ tăng tiêu hao năng lượng, giảm lượng mỡ thừa, vừa giúp phát triển chiều cao rất tốt.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét